KINH DOANH CŨNG GIỐNG NHƯ BÓNG ĐÁ

Kinh doanh cũng như bóng đá. Ông chủ đội bóng giống như ông chủ các doanh nghiệp. Giám đốc điều hành chính là ông huấn luyện viên khó tính. Đội ngũ nhân viên chính là các anh cầu thủ vậy. Mọi sơ đồ chiến thuật, bí kíp, chiến lược là do ông huấn luyện viên chỉ đạo nhưng ông này không phải là người quyết định kết quả của trận đấu, ông ta chỉ được đứng trong ô chỉ đạo, kẻ quyết định kết quả là các cầu thủ trên sân. Cho nên dù chiến lược gia có giỏi đến đâu thì các cầu thủ mới là người quyết định kết quả.

Còn nhớ mùa trước chiến lược gia Mourinho, người được mệnh danh là “người đặc biệt” bị các cầu thủ Chelsea quay lưng “làm phản” khiến thành tích của đội bóng bết bát và ông này đành phải ra đi. Cho nên làm huấn luyện viên điều tối cần thiết đầu tiên là đừng mất lòng cầu thủ, đừng để cầu thủ của mình “làm phản” giống Mou. Trong kinh doanh ông giám đốc nào được lòng nhân viên, được nhân viên ủng hộ, đoàn kết và cống hiến hết mình thì mọi chiến lược đưa ra mới được thực hiện suôn sẻ theo đúng ý đồ và phát huy được sức mạnh tập thể để gặt hái được thành công.

Dùng người phù hợp là một trong những điểm quyết định đối với các chiến lược gia. Không phải cứ lôi nhiều anh tài về như Louis van Gaal là có thể thành công. Còn nhớ Van Gaal đã chi tiền để đưa về cho MU những siêu sao như van Persie, Di Maria, De Gea, … nhưng kết quả mùa đó thì MU tệ hơn cả tệ.

Có thể nguyên do thất bại của MU cũng một phần là ông này hơi xa rời cầu thủ, ông ta không bao giờ rời băng ghế chỉ đạo để xuống đường biên hô hào, truyền lửa cho nhân viên. Ông chỉ ngồi 1 chỗ, không hò hét, không chỉ đạo, chỉ ngồi đó, nhai kẹo và … “giữ ghế”. Rồi vẽ chiến thuật, rồi thay người, rồi đảo vị trí nhưng rút cuộc thế trận của MU chỉ là loay hoay giữ bóng mà không thể ghi bàn. Vì cách làm của ông này không sát sao cùng cầu thủ, không truyền được lửa cho các cầu thủ mà dẫn đến thất bại.

Vậy nên trong kinh doanh ông giám đốc phải là người truyền lửa, phải sát cánh cùng nhân viên của mình, đừng ngồi 1 chỗ chỉ đạo và nhai kẹo kiểu van Gaal mà phải như là ngài Alex Ferguson dù trong tay không có quá nhiều cầu thủ giỏi, vị trí đội tuyển đang bết bát thế mà ông đã thổi lửa vào các cầu thủ, vực dậy tinh thần chiến đấu của các cầu thủ để đem về “cú ăn năm ngoạn mục” cho MU.

Việc dùng người phù hợp còn quan trong hơn việc kiếm được người tài giỏi và nó đòi hỏi khả năng nhìn người của huấn luyện viên. Mỗi cầu thủ có một điểm mạnh nhất định và có 1 vị trí phù hợp nhất. Lấy hậu vệ lên đá tiền đạo, rút tiền đạo về đá hậu vệ là toi.

Như Messi đá ở Barcelona thì vị trí hộ công là rất phù hợp vì anh ta có khả năng tỉa bóng để cho hai tiền đạo sắc bén là Neymar hay Suarez ghi bàn còn khi về với Argentina thì anh ta không thể làm được như vậy. Cũng giống như Công Phượng khi ở đội U19 được sát cánh cùng Tuấn Anh, Xuân Trường hay Văn Toàn thì đá rất tốt nhưng lên tuyển quốc gia đá cạnh những Công Vinh hay Văn Quyết thì không thể đá nổi.

Trong kinh doanh cũng vậy, việc chọn người phù hợp cho từng vị trí để phối hợp tốt nhất giữa các nhân viên là cực kỳ quan trọng, quyết định thành bại chiến lược của huấn luyện viên đưa ra. Vì vậy ông giám đốc điều hành cần phải rất hiểu rất rõ tố chất, hoàn cảnh, điểm mạnh, điểm yếu của từng nhân viên để phân bổ vị trí phù hợp nhất cho họ.

Chiến lược cho cả mùa giải và chiến thuật cho từng trận đấu mà huấn luyện viên đưa ra cực kỳ quan trọng. Cũng giống như trong kinh doanh chiến lược dài hơi cho một quá trình phát triển và chiến thuật cho từng thời điểm quyết định nhiều đến thành công của doanh nghiệp.

Huấn luyện viên tồi thì không thể đưa ra chiến lược tốt được, điều này nó phụ thuộc nhiều vào tầm nhìn của huấn luyện viên, họ sẽ quyết định trận nào quan trọng cần thắng, trận nào chỉ cần hòa để giữ sức cho các cầu thủ chủ chốt và hình thành được bộ khung các cầu thủ chủ chốt xuyên suốt, không thể thiếu cho cả mùa giải. Còn chiến thuật thì phải rất đa dạng và thay đổi liên tục trong từng trận đấu. Cứ gặp đội nào cũng chỉ có mỗi miếng đánh tấn công biên là toi. Gặp đối thủ nào cũng chỉ áp dụng sơ đồ chiến thuật 4 – 4 – 2 kinh điển là chết. Cho nên về chiến thuật đòi hỏi huấn luyện viên phải rất nhạy bén, thay đổi chiến thuật liên tục trong từng trận đấu, đối với từng đối thủ khác nhau. Trong kinh doanh cũng chẳng khác gì.

Nếu trong bóng đá người ta thường chia đội bóng làm ba tuyến: hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo thì trong kinh doanh các doanh nghiệp thường có 3 bộ phận: sản xuất, marketing, bán hàng. Ba tuyến này phải phối hợp cực kỳ chặt chẽ với nhau để đưa được bóng từ phần sân của mình vào lưới đối phương.

Tuyến hậu vệ có nhiệm vụ bảo vệ cho khu vực cầu môn tránh để đối thủ xâm nhập và ghi bàn vào lưới đội nhà cũng giống trong doanh nghiệp bộ phận sản xuất chính là bộ phận tạo nên sản phẩm, dịch vụ để đem đi bán.

Tuyến tiền vệ có vừa có nhiệm vụ hỗ trợ phòng thủ vừa có nhiệm vụ phát động tấn công. Nhiệm vụ của tuyến này cực kỳ quan trọng, vừa phải hỗ trợ phòng ngự, tranh cướp, giữ bóng ở khu vực giữa sân và kiến tạo cho tuyến tiền đạo ghi bàn. Trong kinh doanh chính là bộ phận marketing-truyền thông. Bộ phận này có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đó phải kết nối được 2 tuyến phòng ngự và tấn công đó chính là bộ phận sản xuất và bộ phận bán hàng.

Bộ phận này phải nắm bắt được nhu cầu thị trường để đưa ra được những yêu cầu cải tiến sản phẩm, dịch vụ đối với bộ phận sản xuất đồng thời đưa ra những giải pháp hỗ trợ đội bán hàng bán được hàng. Bộ phận này cũng giống như tuyến tiền vệ trong bóng đá, có vai trò cực kỳ quan trọng và quyết định rất nhiều tới kết quả vì họ vừa là người hỗ trợ phòng ngự vừa là người phát động tấn công và cung cấp bóng cho tuyến tiền đạo.

Thường thì trong bóng đá đội bóng nào có tuyến tiền vệ mạnh thì đội bóng đó sẽ rất mạnh, bởi vì họ hỗ trợ phòng ngự, đánh chặn đối phương từ giữa sân nên hậu vệ rất nhàn, họ phát động tấn công tốt, đưa bóng nhiều cho tiền đạo thì tiền đạo sẽ có nhiều cơ hội ghi bàn hơi và một điều quan trọng nữa là khi tuyến tiền đạo “tịt ngòi” vì bị đối phương theo kèm quá chặt thì tuyến tiền vệ chính là những người có thể khai thông bế tắc với những pha sút xa thành bàn. Bởi vậy khu vực giữa sân là khu vực tranh chấp nhiều nhất và đáng để xem nhất.

Trong kinh doanh thì bộ phận marketing – truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng tương tự. Bộ phận này mà mạnh thì bộ phận sản xuất rất nhàn vì sản xuất ra sản phẩm là đã có bộ phận này lo nhiệm vụ marketing, truyền thông sản phẩm tới người dùng. Bộ phận này mạnh thì bộ phận bán hàng rất nhàn vì khách hàng đã biết đến sản phẩm, biết đến thương hiệu qua kênh truyền thông – marketing việc của anh bán hàng là chốt được đơn hàng và có những lúc bộ phận bán hàng bế tắc trong khâu chốt đơn thì bộ phận marketing có thể là những người khai thông bế tắc bằng những chính sách và cách thức truyền thông để có thể “ghi bàn từ xa”.

Tuyến tiền đạo có nhiệm vụ ghi bàn vào lưới đối phương, trong kinh doanh chính là bộ phận bán hàng, họ có nhiệm vụ phải bán được hàng để có tiền nuôi toàn bộ hệ thống. Bộ phận này mà không bán được hàng là cả hệ thống toi.

Nhiệm vụ của các tuyến cũng rất rõ ràng. Tuyến hậu vệ chỉ cần phá bóng ra khỏi khu vực khung thành đội nhà càng xa càng tốt. Tuyến tiền vệ phải là tuyến kết nối giữa hai tuyến tiền đạo và hậu vệ. tuyến này phải có khả năng lên công về thủ, nhận bóng từ hậu vệ để triển khai tấn công và chuyền bóng cho tiền đạo ghi bàn. Tiền đạo phải có khả năng xoay xở sắc bén để vượt qua sự truy cản của tuyến phòng thủ đối phương và ghi bàn.

Tuyến nào cũng có những khó khăn và cần những kỹ năng nhất định mới làm được và chỉ người phù hợp với tuyến đó mới làm được. Tất cả các tuyến đều phải hiểu điều này. Anh hậu vệ đừng tưởng nhiệm vụ ghi bàn của tiền đạo là đơn giản, chỉ cần sút bóng về phía cầu môn là sẽ ăn. Đứng phía sau nhìn thì dễ thôi chứ anh cứ lên đá tiền đạo mới biết không dễ ăn thế đâu. Anh tiền đạo thì bảo anh Hậu vệ phòng thủ kém, chỉ việc phá bóng ra thật xa cầu môn thôi mà cũng không làm được. Sự thật không hề đơn giản vậy đâu vì họ phải tranh chấp với tiền đạo sắc bén của đối phương, thật không dễ dàng đâu và hơn nữa đây là khu vực nhạy cảm, rất gần cầu môn đội nhà, truy cản không cẩn thận để phạm lỗi trong vòng cấm là dính phạt đền ngay.

Trong kinh doanh cũng vậy thôi các bộ phận phải rất thấu hiểu nhiệm vụ của nhau. Mình nghĩ nhiệm vụ của bộ phận khác là dễ là không quan trọng, rất đơn giản nhưng khi giao cho làm thì bạn không làm nổi đâu. Lấy một anh ở bộ phận sản xuất đi bán hàng sẽ không bán được hàng đâu vì anh ta không có kỹ năng để bán hàng còn lấy một anh bán hàng về sản xuất thì không thể làm nổi vì anh ta có biết kỹ thuật để sản xuất ra nó đâu. Cho nên các bộ phận phải rất thấu hiểu nhau để phối hợp tốt nhất từ khâu sản xuất đến bán hàng.

Sản xuất ra sản phẩm dịch vụ mà không có bộ phận truyền thông marketing đưa sản phẩm đó đi quảng bá tiếp cận tới khách hàng thì không bán nổi. Tiếp cận được khách hàng rồi nhưng không có bộ phận bán hàng chốt đơn hàng thì cũng không thành công. Tất nhiên cũng có những trận đấu anh hậu vệ lại là người ghi bàn mà anh tiền đạo thì không thể “nổ súng” nhưng hầu như rất ít và không thường xuyên, hiếm lắm mới có được anh hậu vệ như Ramos.

Bóng đá là môn thể thao yêu cầu sức mạnh tập thể rất cao, kinh doanh cũng vậy, cần phát huy được sức mạnh của toàn hệ thống, của cả tập thể. “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”. Một bộ phận làm tốt mà các bộ phần còn lại không chịu tiến lên cùng là vứt. Giống như Messi là cầu thủ giỏi nhất thế giới nhưng một mình anh ta không thể kéo cả đội tuyển Argentina đi đến thành công được.

Hãy nhìn vào tấm gương của đội tuyển Leicester City, đây là một điển hình của sức mạnh tập thể. Họ không có huấn luyện viên nổi tiếng thế giới như Pep Guardiola, Alex Ferguson hay Mourinho, … Họ cũng không có một cầu thủ nào quá nổi tiếng ở tầm thế giới nhưng họ vẫn vượt qua những Chelsea, MU, Arsenal, Liverpool, ..để vô địch ngoại hạng anh. Đó là nhờ tinh thần tập thể, họ chiến đấu vì tập thể, họ phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến, họ thi đấu nhịp nhàng và đều đặn giữa các tuyến, phòng thủ chặt chẽ và tấn công hiệu quả.

Trong kinh doanh nếu là công ty nhỏ thì hãy là Leicester City. Phải tạo được sức mạnh tập thể của cả hệ thống, cùng giúp nhau tiến lên. Doanh nghiệp nhỏ thì thường không có quá nhiều người xuất sắc vì vậy phải phát huy được sức mạnh đồng đều của nhiều người để cùng tiến về phía trước.

Viết một bình luận