Bộ nguồn (PSU – Power Supply Unit) được coi là trái tim của máy tính. Với hàng loạt các thương hiệu và dòng sản phẩm trên thị trường, người dùng sẽ bị choáng nếu không tự trang bị một chút kiến thức cho mình. Vậy những yếu tố nào cần được chú ý tới để chọn mua được bộ nguồn hợp lý cho máy tính? (ở đây mình chỉ đề cập đến những bộ nguồn có công suất thực chứ không phải mấy bộ nguồn ATX Noname không đủ công suất danh định và không có tên tuổi)
Có nên mua bộ nguồn có công suất mạnh nhất trên thị trường hay không?
Câu trả lời là có, nếu như bạn có đủ tiền để thực hiện điều đó, và chuẩn bị tiền cho hóa đơn điện hàng tháng. Vì tương ứng với công suất mạnh nhất, bộ cấp nguồn ấy cũng sẽ sử dụng lượng điện năng cao hơn.
Vì thế, tốt hơn hết là bạn cần xác định rõ hệ thống máy tính của mình cần được cung cấp một công suất là bao nhiêu cho các thành phần bên trong, và các phụ kiện gắn thêm. Bạn cũng nên chọn mua loại bộ cấp nguồn có công suất cao hơn nhu cầu hiện tại một ít. Như vậy bộ nguồn sẽ vẫn còn đủ sức hỗ trợ thêm một vài linh kiện mà bạn gắn thêm sau khi bạn đã mua. Ngoài ra, sau một thời gian sử dụng, công suất bộ nguồn cũng sẽ suy giảm, và phần công suất vượt trội khi chọn mua sẽ giúp hệ thống vẫn còn hoạt động ổn định thêm một thời gian dài.
Tỉ lệ công suất thực / danh định là gì?
Yếu tố đầu tiên, thường được người dùng nhắm tới để chọn PSU cho mình. Một bộ nguồn có công suất quá lớn sẽ gây tốn kém mà không tận dụng được hết khả năng, trong khi nguồn công suất quá nhỏ chắc chắn sẽ gây ra nhiều vấn đề, bao gồm cả hư hỏng linh kiện.
Công suất danh định là giá trị được ghi trên hộp sản phẩm, và được quảng cáo cùng với sản phẩm. Còn công suất thực chính là công suất mà bộ nguồn thực sự có thể cung cấp cho máy tính. Như vậy tỉ lệ giữa hai giá trị công suất này cho biết chất lượng của bộ nguồn mà bạn định mua. Bạn cần lưu ý rằng những bộ nguồn kém chất lượng thì tỉ lệ này có thể chỉ vào khoảng 30-50%, trong khi các loại bộ nguồn cao cấp thì tỉ lệ này có thể đạt trên 85%.
Dựa vào cấu hình máy, người dùng có thể lựa chọn cho mình công suất phù hợp và bảo đảm khả năng nâng cấp linh kiện trong tương lai. Lựa chọn này mang tính tham khảo, do các bộ máy có thể khác xa nhau về cấu hình.
– Nguồn 300-350W: CPU lõi đơn hoặc lõi kép, 1 thanh RAM, đồ họa tích hợp, 1-2 ổ cứng.
– Nguồn 350-450W: CPU lõi kép, 2 thanh RAM, card đồ họa tầm thấp (không yêu cầu nguồn phụ), 2 ổ cứng.
– Nguồn 500-550W: CPU lõi tứ, 2-4 thanh RAM, card đồ họa tầm trung (yêu cầu một đầu cấp nguồn 6 chân), 2-4 ổ cứng.
– Nguồn 600-750W: CPU lõi tứ, 4 thanh RAM, card đồ họa tầm cao (hai đầu cấp nguồn trở lên), 4 ổ cứng.
– Trên 750W: Các hệ thống chạy 2 CPU và nhiều card đồ họa (SLI hoặc CrossFire).
Tuy nhiên, không phải bộ nguồn nào cũng bảo đảm được công suất như trên bao bì. Có rất nhiều các bộ nguồn có công suất trên giấy lên tới 700W, nhưng các thử nghiệm lại chứng minh chúng chỉ là các bộ nguồn 500W, thậm chí là chưa đạt nổi 350W.
Những tính năng mở rộng nào cần quan tâm thêm khi mua bộ nguồn mới?
Ngoài những vấn đề về công suất và hiệu suất hoạt động của bộ cấp nguồn sắp mua, bạn cũng nên chú ý thêm các tính năng mở rộng sau:
Tính năng chống quá tải hiệu điện thế, và cường độ dòng điện sẽ cảnh báo khi có các hiện tượng đó xảy ra. Tính năng chống đoản mạch sẽ ngăn việc mạch điện bị nối tắt gây hiện tượng cường độ dòng điện lên đến vô cực, tránh việc các phụ kiện bị hỏng.
Trên thị trường máy tính hiện có rất nhiều thương hiệu nguồn. Trước đây, Cooler Master (CM) đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam bằng quân bài “bộ nguồn với công suất thực”. Tuy nhiên, các bộ nguồn của CM cũng mới chỉ ở tầm cơ bản và chất lượng cũng không được cao như quảng cáo. Những thương hiệu nguồn uy tín trên thị trường mà người dùng nên chọn như sau:
– Cấp 1: Cho chất lượng ổn định nhất, sử dụng linh kiện cao cấp, phù hợp với dân ép xung cũng như các hệ thống máy tính đắt giá. Bao gồm các thương hiệu nổi tiếng như Seasonic, Silverstone, Antec và Corsair (đều sử dụng nguồn của Seasonic).
– Cấp 2: Các bộ nguồn tầm trung, giá ở mức tương đối, không sử dụng linh kiện cao cấp như cấp 1 nhưng chất lượng vẫn đảm bảo, bao gồm FSP, Acbel, Cooler Master, Thermaltake.
– Cấp 3: Các bộ nguồn tầm thấp, chỉ vừa đủ đạt chuẩn ATX, sử dụng các linh kiện giá rẻ để cắt giảm chi phí, từ đó làm giảm chất lượng của bộ nguồn. Điển hình như các bộ nguồn cấp thấp của Huntkey, Arrow và Golden Field.
– Cấp 4: Cấp thấp nhất, giá cực rẻ hoặc đi kèm với vỏ máy. Chất lượng cực kì tệ hại và có thể phá hủy cỗ máy tính bất cứ lúc nào. Thường không có tên (noname) mà chỉ được gọi là nguồn ATX.
Khi mua máy tính, người dùng tốt nhất hãy dành ra khoảng 10-15% tổng chi phí bộ máy để đầu tư vào bộ nguồn. Ví dụ, nếu mua một bộ máy giá 10 triệu, hãy đầu tư ít nhất là 900.000 đồng cho một bộ nguồn. Một số bộ nguồn để tham khảo như sau:
– Dưới 500.000 đồng: FSP GE-500 (300W) hoặc Acbel CE2 350.
– Dưới 1 triệu đồng: Corsair VS450/550, FSP Saga 450W.
– Dưới 2 triệu đồng: Seasonic S12II 520/620, M12II 520, JS750 hay Corsair GS600/700.
– Dưới 3 triệu đồng: Seasonic M12II 620, SS-850HT (850W).
– Dưới 5 triệu đồng: Các dòng Seasonic X, FSP Everest.
– Trên 5 triệu đồng: Seasonic X1050/X1250, P1000 hay Corsair AX.
Hiện nay, các bộ nguồn cao cấp đều có thiết kế cáp rời (modular cable). Nhờ đó, người dùng có thể tháo những cáp không cần thiết và cất đi. Điều này giúp việc đi dây gọn ghẽ hơn, cải thiện nội thất bên trong máy tính cũng như tăng khả năng lưu thông không khí. Một số dòng nguồn còn có thiết kế cáp rời toàn bộ (full modular), tuy nhiên điều này không thực sự cần thiết cho lắm.
Với các bộ nguồn tầm trung, người dùng có thể chọn loại nửa rời nửa cố định (semi-modular). Các dây chính như ATX 24 chân và CPU 8 chân sẽ gắn cố định với nguồn, trong khi các dây cáp khác có thể tháo rời.
Ở tầm thấp, người dùng sẽ ít quan tâm đến việc trang trí và đi dây bên trong vỏ máy, do vậy có thể chọn loại nguồn dùng cáp cố định để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, hãy chọn loại nguồn có bọc lưới bên ngoài (sleeving) để giữ gọn gàng và cải thiện khả năng lưu thông không khí.
Ngoài ra, thì các bộ cấp nguồn có thiết kế đáp ứng được các tiêu chuẩn như Green Power hay Energy Star, sẽ hoạt động hiệu quả hơn và giảm tỉ lệ thất thoát điện năng.
Làm sao để biết được bộ nguồn còn hoạt động tốt?
Chỉ có một cách để xác định việc bộ nguồn còn hoạt động tốt hay không, là bạn phải đo đạc các thông số tại các đầu cắm của nó. Nếu biết sử dụng, bạn có thể chọn loại đồng hồ đo đa năng. Hiện nay, người ta chuộng loại đồng hồ đo điện tử (giá tham khảo khoảng 300.000 đồng). Thường có một màn hình LCD đơn sắc khá to hiển thị khá nhiều thông tin hữu ích, các đồng hồ đo loại này có thể đo được hiệu điện thế xoay chiều/ một chiều, cường độ dòng điện một chiều, xoay chiều, cũng như đo điện trở, nhiệt độ và một số thứ khác. Bạn sẽ phải đo hiệu điện thế và cường độ dòng điện ở các đầu cắm của bộ cấp nguồn.
Đơn giản hơn, bạn hãy sử dụng bộ Power Supply Tester. Bạn cắm đầu cấp nguồn bo mạch chủ 24 chân vào ngõ cắm tương ứng trên thiết bị bạn sẽ nghe một tiếng “dudu” ngắn sau đó kiểm tra các đèn LED tại các vị trí +5V, +12V, +3.3V, -5V, -12V, +5VSB, PG bật hay tắt. Tương tự, bạn cũng cắm lần lượt các đầu cấp nguồn khác vào hộp thiết bị để kiểm tra. Đối với đầu cấp nguồn 4 chân, 6 chân, 8 chân, cấp nguồn ổ đĩa mềm, cấp nguồn SATA bạn có thể kiểm tra được hiệu điện thế tương ứng là +12V và +5V, +12V, +12V và +5V, +12V +5V và +3,3V. Khi đầu cấp nguồn nào không đạt yêu cầu thiết bị sẽ phát ra âm báo dài. Nếu đèn báo hiệu điện thế tương ứng với thông số này trên đầu cấp nguồn nhấp nháy, thì đã có vấn đề với đầu cắm ấy. Trường hợp đèn PG nhấp nháy thì bộ nguồn này có nguy cơ đã bị hỏng.
Quạt giải nhiệt của bộ nguồn bị hỏng, tôi có thể gắn thêm quạt thùng máy để thay thế nó hay không?
Bạn không thể làm như thế, quạt nguồn dùng để làm mát bộ cấp nguồn, và quạt thùng máy không thể thay thế nó. Trong trường hợp quạt nguồn bị hỏng mà bạn không kịp phát hiện, máy tính có thể sẽ bị quá nhiệt, dẫn đến việc máy ngừng hoạt động, không thể khởi động được, hoặc gây hư hỏng các linh kiện bên trong nó.
Các loại bộ cấp nguồn cao cấp có thể được trang bị quạt làm mát có đường kính lên đến 80mm, với chức năng tự động điều chỉnh tốc độ vòng xoay tùy theo nhiệt độ bên trong thùng máy, giúp khả năng làm mát cùng độ ồn luôn đạt mức tối ưu. Một số loại khác còn gắn đến hai quạt, trong đó một quạt hút không khí bên ngoài vào làm mát, còn quạt kia xả hơi nóng ra khỏi bộ nguồn. Thường thì các bộ nguồn cao cấp đều cho phép người dùng điều chỉnh tốc độ quạt tự động tùy theo nhiệt độ, hoặc chỉnh bằng nút vặn trên vỏ máy.
Làm sao để bộ nguồn không bị nóng?
Bộ cấp nguồn là một trong những vị trí tỏa nhiệt cao làm ảnh hưởng đến nhiệt độ bên trong thùng máy. Vì thế, việc giữ cho bộ cấp nguồn được thoáng mát sẽ giúp hạ nhiệt cho toàn hệ thống máy tính. Việc đầu tiên cần thực hiện là bạn hãy đặt phần đuôi thùng máy tính, nơi lắp đặt bộ cấp nguồn cách xa tường ít nhất 20cm để có vùng không khí lưu thông tốt. Tuyệt đối tránh việc để những vật tỏa nhiệt gần khu vực bộ cấp nguồn.
Việc thứ hai cần thực hiện là bạn làm sạch sẽ chiếc quạt làm mát nguồn. Tháo phần lưới bảo vệ quạt, rồi dùng cọ cứng làm sạch hết bụi bẩn trên cánh quạt và khu vực xung quanh. Bạn cũng đừng quên cho ít dầu máy may vào trục xoay để nó trơn tru hơn.
Hãy luôn cẩn trọng khi chọn mua trái tim cho máy tính, nếu người dùng không muốn một ngày cả cỗ máy ra đi trong một màn khói mù mịt.
Like & Share nếu bạn thấy hữu ích!
Comment nếu có thắc mắc!
Chúc bạn thành công!