Sau bài này, những người làm thuê sẽ tự tin hơn, và hiểu rằng không nhất thiết phải bỏ việc đi khởi nghiệp thì mới được làm chủ! Share tự do để những người làm thuê không còn mặc cảm, tự ti!
Nhiều người nghĩ rằng làm chủ tức là phải có một doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất, kinh doanh một sản phẩm dịch vụ cụ thể nào đó. Hiểu theo cách này, từ anh bơm xe bên đường, chị bán nước mía, bà bán bánh mì, chủ một hiệu may, đến chủ tịch một tập đoàn lừng danh… đều là những người làm chủ. Còn những ai đi làm công cho người khác thì dù có là CEO, tổng giám đốc, cố vấn cấp cao, được hưởng chế độ khủng cỡ nào, vẫn chỉ là người làm thuê
Hãy thử nhìn nhận vấn đề theo một cách khác. Chất xám, kỹ năng, kinh nghiệm cũng là một loại sản phẩm, thậm chí còn là một loại sản phẩm cao cấp, hiếm có. Hà cớ gì thứ sản phẩm cao cấp ấy lại không thể so sánh được với gạch, gỗ, xi măng, bánh kẹo hay bún, phở? Người đang được gọi là “làm thuê” là người đang kinh doanh chất xám của mình. Họ đang làm chủ chính hoạt động kinh doanh của mình – kinh doanh tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm; và đang dùng nó để chào bán ở một mức giá kỳ vọng nào đó.
Người kinh doanh chất xám cũng đặt mục tiêu tăng trưởng “doanh số” và “lợi nhuận” hàng năm, năm sau cao hơn năm trước. Họ không sợ thua lỗ, tồn kho, quá “đát”, hết hàng hay phá sản.
Trên thế giới, “lợi nhuận ròng” của những người kinh doanh chất xám hàng đầu – những CEO, những quản lý cấp cao có khi lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đô la mỗi năm – con số mơ ước của hàng vạn người làm chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và cũng như mọi doanh nghiệp tăng trưởng khác, con số lợi nhuận ấy của những người kinh doanh chất xám vẫn tiếp tục tăng lên không ngừng hàng năm. Đó là chưa kể, người kinh doanh chất xám còn có cơ hội sở hữu cổ phiếu của chính công ty, nơi đang mua chất xám của mình. Kinh doanh chất xám rõ ràng là một loại hình kinh doanh có ít rủi ro.
Cần hiểu rằng, các công ty chính là khách hàng của người cung cấp chất xám (tương tự như cty là khách hàng của các nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, máy móc thiết bị, văn phòng phẩm, nước uống cho nhân viên..). Mà đã là khách hàng thì không phải lúc nào cũng có thể mua được hàng. Có lúc muốn mua, nhưng người bán không bán, có lúc hút hàng, khách hàng cũng chạy đôn chạy đáo tìm kiếm, thậm chí phải bỏ tiền ra trả cho người môi giới (các công ty săn đầu người) để mua được hàng.
Người làm chủ tri thức cũng phải đầu tư để có SP tốt mà bán. Họ cũng có quyền nâng giá theo thị trường, có quyền từ chối bán hàng cho những khách hàng ép giá, mua rẻ hoặc đưa ra những điều kiện không thỏa đáng. Ngay cả công nhân, những người kinh doanh sức lao động và kỹ năng ở cấp thấp nhất cũng có quyền chọn khách, có quyền từ chối khách này để bán cho khách kia. Bằng chứng là các cty năm nào cũng khốn đốn tranh nhau mua sức lao động và tay nghề của công nhân sau mỗi mùa Tết.
Một khi ý thức được mình đang làm chủ, là nhà cung cấp chất xám kỹ năng, kinh nghiệm, còn cty là khách hàng của mình, người bán chất xám sẽ phải nỗ lực tư duy, học hỏi, rèn luyện để nâng cấp SPDV của mình để làm hài lòng khách hàng, để giữ khách, và chấp nhận bị đào thải khi không làm hài lòng khách hàng. Họ không đến cty trong tư cách người “xin việc” mà trong tư cách một nhà cung cấp trách nhiệm để hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi! Nếu một trong hai bên, hoặc cả hai bên cảm thấy mình bất lợi, chia tay là điều tất yếu!
Quan điểm tôi vậy, bạn đồng ý không?
Long Nguyen Huu – Group PTDNV