Mắc Tiền + Đồ Xịn ≠ Hiệu Năng Tốt Nhất
Ai đó sẽ nói rằng, cứ chọn mua những thiết bị cao cấp nhất, mắc tiền nhất về ráp lại với nhau là sẽ có được một “con quái vật” với sức mạnh khủng. Lăn tăn làm gì cho mệt!!!
Có lẽ đó là suy nghĩ của số ít những bạn “dư giả” nên không quá đắn đo hầu bao của mình. Nhưng thực tế là với điều kiện còn hạn hẹp như ở Việt Nam, đa số các bạn đều muốn tính toán thật hợp lý để làm sao chiếc máy tính có hiệu năng tốt nhất so với số tiền mình bỏ ra. Thêm một sự thật nữa là chưa hẳn cứ chi số tiền lớn xách về những linh kiện cao cấp là bạn sẽ có một chiếc máy tính “chạy phà phà” như vẫn nghĩ. Xin nhấn mạnh rằng: TÍNH TƯƠNG THÍCH GIỮA PHẦN CỨNG VỚI PHẦN MỀM và SỰ CÂN ĐỐI CẤU HÌNH PHÙ HỢP mới giúp bạn đạt được HIỆU NĂNG TỐI ƯU!
Máy tính bộ của hãng (ráp sẵn) hoặc tự lựa chọn linh kiện để ráp, nên chọn cái nào? ?
Mỗi lựa chọn có ưu điểm và khuyết điểm riêng, và tùy vào sở thích cùng với nhu cầu công việc của mình mà bạn có thể tự xem xét:
- Máy tính bộ:
– Nhược điểm: mức giá thường cao hơn khoảng 30% so với máy tự ráp có cấu hình tương đương. Khả năng thay đổi và nâng cấp cấu hình khá hạn chế (do các linh kiện quan trọng như Mainboard, Power Supply , kích thước của thùng máy… đều được tính toán từ trước để chỉ “vừa khít” với cấu hình tiêu chuẩn ban đầu của nhà sản xuất), nên nếu yêu cầu công việc thay đổi đột ngột khiến bạn cần điều chỉnh cấu hình cho phù hợp thì sẽ hơi… nan giải.
- Tự chọn linh kiện để ráp máy:
– Nhược điểm: Để tự ráp được một chiếc máy tính ngon thì bạn cần có vốn kiến thức kha khá về phần cứng. Ngay cả với những bạn đã rành về phần cứng thì sẽ gặp một thách thức khác nữa là: khó lòng kiềm chế được “ham muốn” của mình mà dốc gần hết tiền vào một món linh kiện nào đó quá hot, quá khủng, vừa được ra mắt và quảng cáo rầm rộ (nào là “CPU có vi kiến trúc mới nhất, Mainboard siêu ép xung, Bộ nguồn công suất khủng, Ram có sức mạnh Hẹc-Quyn các loại các kiểu…”), sau đó mới giật mình nhận ra rằng số tiền còm ít ỏi còn lại chỉ đủ mua những linh kiện tối thiểu nhất. Điều này sẽ dẫn đến sự mất cân đối giữa các thành phần với nhau. Độ bền cũng phụ thuộc bạn chọn linh kiện của hãng nào (tại thị trường Việt Nam hiện nay thì đầu bảng là những linh phụ kiện của các hãng Intel, AMD, Corsair, Gigabyte, Asus, MSI, Crucial, OCZ, Kingston, Cooler Master…., cấp thấp hơn thì có nhiều nhãn hiệu mới nổi khác nhưng chất lượng thế nào thì cần có thời gian kiểm chứng thêm).
Hướng dẫn lựa chọn cấu hình máy vi tính :
? – CPU thật mạnh hay thật nhiều RAM chưa phải là yếu tố quyết định tất cả! Đa số mọi người đều phí tiền vô ích cho việc chọn mua những con CPU có sức mạnh thừa thãi so với công việc của mình, trong khi dung lượng RAM thì lại thiếu trầm trọng (ví dụ: bạn dùng ứng dụng văn phòng và lướt Web với thói quen mở hàng chục Tab cùng lúc nhưng chọn mua CPU tầm cỡ Core i5 / i7 mà chỉ có 2 hoặc 4GB RAM). Lựa chọn như trên là sai lầm, vì nếu bạn mở Task Manager / mục Peformance ra xem thử thì sẽ thấy lúc này CPU hoạt động chỉ khoảng 20 -30% sức mạnh thôi, trong khi RAM thì bị ngốn gần hết. Hoặc ngược lại, cũng có khá nhiều bạn tin rằng cứ thật nhiều RAM thì máy sẽ “mạnh vô đối” (cái này hồi xưa mình cũng bị nè, nhớ hồi đó máy có “đến tận” 4GB RAM cơ nên đi khoe với thằng nhóc nhà bên là “máy tao mạnh vô địch xóm này”, đến khi nó qua xem thì cười vào mũi cho là “Máy mày chạy con CPU cùi bắp, chỉ chơi được Mario và xếp hình thôi cu ơi!!!” >_<). Nói dài dòng như vậy, cũng chỉ mong các bạn khắc cốt ghi tâm 1 điều là CẤU HÌNH CÂN ĐỐI GIỮA CÁC LINH KIỆN MỚI LÀ TỐT NHẤT (nhắc lại lần thứ mấy rồi ấy nhỉ ). Hãy tham khảo thông tin từ những người sử dụng máy tính có nhu cầu làm việc tương đương với bạn để ước lượng được cấu hình phù hợp.
? – Khi chọn mua Mainboard (bo mạch chủ), đừng chạy đua theo các công nghệ và tính năng được quảng cáo tâng bốc tận mây xanh nhưng thật ra lại không cần thiết! Nào là “3 lớp đồng nguyên chất”, “thiết kế áo giáp giải nhiệt, chống nước và độ bền tiêu chuẩn quân sự”, hoặc thường được hô hào nhất là có “Khả năng OC siêu cấp” bla bla bla…. Bạn sẽ mất thêm khá nhiều tiền cho những tính năng như vậy, trong khi lẽ ra có thể dùng số tiền đó để chi trả cho những linh kiện khác nữa. Hãy tập trung vào 5 yếu tố quan trọng nhất khi mua Mainboard là:
- Có hỗ trợ chuẩn socket (chân cắm) cho dòng CPU bạn muốn sử dụng không? (Có khá nhiều chuẩn socket khác nhau, hãy tham khảo website của nhà sản xuất để biết chính xác CPU của mình thuộc chuẩn nào).
- Dung lượng RAM hỗ trợ tối đa có đủ dùng cho bạn (cả ở hiện tại và trong vòng ít nhất 2 năm tới) không?
- Số lượng cổng SATA để gắn ổ cứng có đủ dùng không?
- Nếu bạn dự tính sử dụng nhiều card màn hình, hãy xem mainboard có đủ số khe cắm PCI và hỗ trợ tính năng đó không?
- Và cuối cùng là hãng sản xuất Mainboard này có chế độ bảo hành đáng tin cậy hay không? (Vì đây là linh kiện khá phức tạp, lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng là kết nối mọi linh kiện trong thùng máy tính lại với nhau, nên nếu Mainboard có bất kỳ trục trặc gì thì sẽ rất khó xác định nguyên nhân gây lỗi, khi đó thì bạn sẽ cần được hỗ trợ và bảo hành chu đáo đó).
? – Ổ cứng SSD ra đời đã mang lại những thay đổi ngoạn mục về hiệu năng! Tuy giá ổ SSD hiện nay đã rẻ hơn rất nhiều so với khi mới xuất hiện, nhưng vẫn còn hơi cao so với mặt bằng chung. Giải pháp hợp lý nhất thời điểm hiện tại là bạn hãy mua 1 ổ SSD có dung lượng 60 GB (hoặc lý tưởng hơn là 120 GB) dùng làm ổ cài đặt hệ điều hành và phần mềm. Các ổ HDD bình thường thì để chứa dữ liệu. Điều này sẽ khắc phục được 1 nhược điểm mà ngay cả những cỗ máy tính cao cấp trước giờ vẫn gặp phải – đó là hiện tượng “nghẽn cổ chai” do dữ liệu truy xuất từ ổ cứng HDD không đáp ứng kịp tốc độ xử lý. Bây giờ đã có SSD rồi thì bạn sẽ thấy tốc độ máy tính của mình nhanh đến ngạc nhiên. ?
? – Card đồ họa (card màn hình): nếu bạn định ráp 1 chiếc máy tính cho nhu cầu phổ thông (ứng dụng văn phòng, xem phim HD, game giải trí nhẹ nhàng…) thì không cần quá quan tâm đến bộ phận này, vì hầu hết các CPU đời mới gần đây (từ dòng Intel Core i trở lên) đều tích hợp sẵn nhân đồ họa GPU để giúp bạn xuất hình ảnh ra màn hình máy tính. Tuy nhiên nếu bạn có nhu cầu cao về hình ảnh (Dựng phim, làm kỹ xảo, chơi game nặng, xem phim 3X…à nhầm, phim 3D ) thì nếu thiếu Card đồ họa rời là thành…”đời cô Lựu” luôn đó . Có 2 dòng GPU (nhân xử lý đồ hoạ) hiện nay là của nVIDIA và ATI, tuy nhiên phần thắng thế có vẻ đang nghiêng về nVIDIA khi mà dòng Card đồ họa sử dụng GPU của hãng này đang chiếm thị phần lớn hơn ATI khá nhiều. Bên cạnh đó dòng card nVIDIA cũng được hỗ trợ tốt hơn trên 1 số phần mềm đồ họa nổi tiếng ( như bộ Adobe CC ) và các tựa game “khủng”.
Có 3 thông số quan trọng nhất mà bạn cần lưu ý khi mua Card đồ họa, đó là: dòng GPU (nhân xử lý đồ họa, tương tự như CPU của máy tính), Loại bộ nhớ (GDDR), và Băng thông bộ nhớ (số bit) của Card đồ họa đó. Xin phép được phân tích sâu hơn trong 1 bài viết khác chỉ tập trung nói về Card đồ họa, còn ở đây mình chỉ xin mô tả đơn giản nhất là dòng GPU càng cao thì khả năng xử lý càng tốt hơn, Loại ram (GDDR) càng cao càng tốt (GDDR2 < GDDR 3 < GDDR5…), băng thông cũng càng cao càng tốt (64 bit < 128 bit < 320 bit….). Còn 1 thông số nữa là Dung lượng VRam của card đồ họa thì thật sự là không quá quan trọng. Card hiện nay thường có tối thiểu 1GB VRam là đáp ứng tốt đa số nhu cầu. Trừ khi bạn muốn xuất ra quá nhiều màn hình cỡ lớn thì khi đó nên có VRam khoảng 2GB trở lên.
? – Bộ nguồn (Power Supply) là trái tim cung cấp điện năng cho toàn bộ cỗ máy tính. Một trái tim khỏe sẽ giúp cơ thể ổn định và sống thọ hơn. Với máy tính cũng vậy, bộ nguồn tốt và có công suất phù hợp sẽ giúp linh kiện hoạt động bền bỉ, tránh được mọi nguy cơ như rò điện, sụt áp, dòng điện không ổn định… Chỉ mua những bộ nguồn có công suất thực (được chứng nhận tiêu chuẩn 80 Plus) và có thương hiệu uy tín (Corsaire, Cooler Master, AcBel, Themaltake, FSP…), tuyệt đối tránh những hàng “no-name” không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hãy chọn mua bộ nguồn có công suất chịu tải lớn hơn ít nhất 30% so với tổng công suất máy tính của bạn (ví dụ: nếu máy tính có tổng công suất là 300W, hãy chọn bộ nguồn có công suất thực khoảng 400W trở lên).